Tuyển Anh: Tập trung hiện tại và quên đi cái danh hão "Thế hệ Vàng"

10:45 Thứ bảy 12/10/2013

Không ai phủ nhận tài năng của những Lampard, Gerrard, John Terry…, nhưng liệu họ có xứng đáng được coi là Thế hệ vàng của bóng đá Anh.

Cách đây vài năm, giới truyền thông ngợi ca Anh có một "thế hệ vàng".

Trong thể thao nói riêng và bóng đá nói riêng, thuật ngữ “Thế hệ vàng” thường được sử dụng để chỉ một đội bóng sở hữu nhiều cá nhân xuất sắc và giành nhiều thành công ở các giải đấu họ tham gia. Những ví dụ nổi tiếng như đội tuyển Pháp trong giai đoạn cuối thập niên 90 với những ngôi sao như Zidane, Deschamps, Thuram… đã bước lên đỉnh vinh quang ở 2 giải đấu World Cup 1998 và Euro 2000, Nigeria của Okocha, Kanu, Ikpeba giành chức vô địch châu Phi năm 1994 và huy chương vàng Olympic 1996 tại Mỹ.

Dù danh hiệu giành được ở cấp độ nào, ít hay nhiều, liên tục hay ngắt quãng, điểm chung cũng những thế hệ vàng này là họ từng ít nhất một lần bước lên ngôi cao nhất ở một giải đấu họ tham dự. Và nếu xét theo tiêu chí đó, đội tuyển Anh chưa hề có một “Thế hệ vàng” nào kể từ năm 1966 tới nay. Mỹ từ đó chỉ là do giới truyền thông này nước này sử dụng một cách đầy ảo tưởng cho thế hệ của những Lampard, Terry, Gerrard, Beckham…, như lời thừa nhận của tiền vệ Lampard cách đây 4 năm.

Năm 2009, trong một cuộc họp báo khi tập trung đội tuyển quốc gia, anh chia sẻ: “Mọi người gọi chúng tôi là Thế hệ vàng chỉ bởi họ thấy một nhóm cầu thủ giỏi ở đó, nhưng điều đó lại làm chúng tôi khá thất vọng. Họ kỳ vọng chúng tôi đạt được danh hiệu khi dùng thuật ngữ đó, nhưng chúng tôi biết hiện tại đó chỉ là một cái danh hão”.

Người Anh đã quá tụt hậu về quá trình thay máu lực lượng so với Đức, Pháp, Tây Ban Nha.

Những gì Lampard nói đã phản ảnh gần như toàn bộ thực tế diễn ra ở xứ sở sương mù những năm qua. Đội tuyển của họ sở hữu những cầu thủ hàng đầu thế giới, chinh phục tất cả những danh hiệu cao nhất ở cấp câu lạc bộ. Gerrard, Lampard, Terry, Ferdinand, Ashley Cole đều đã từng vô địch Champions League, và thậm chí là cả giành những cú ăn ba lịch sử.

Có người trong số họ từng phá kỷ lục về chuyển nhượng (Rio Ferdinand), là biểu tượng về lòng trung thành và sức mạnh của đội bóng họ đang thi đấu (Gerrard), cũng có người xây dựng một hình ảnh gần như hoàn hảo ở cả trong và ngoài sân cỏ (Beckham). Tất cả đều rất tài năng, khát khao giành chiến thắng nhưng đều không thể hiện được phong độ cao nhất của mình trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Thế hệ tài năng nhất mà bóng đá Anh sở hữu kể từ năm 1966, rốt cục lại được nhớ đến nhiều nhất bởi thất bại trong việc giành vé tham dự vòng chung kết Euro 2008 được tổ chức ở Thụy Sỹ và Áo. Trong giai đoạn ấy, khi mà người Đức gấp rút thực hiện kế hoạch “phục hưng” nền bóng đá bằng việc thu hút và đào tạo cầu thủ trẻ, Tây Ban Nha bắt đầu hưởng “trái ngọt” từ thế hệ vàng của Xavi hay Iniesta, thì người Anh vẫn loay hoay tranh cãi về việc Lampard hay Gerrard nên đá chính!

Đi kèm với thất bại trên sân cỏ, là vô số những scandal liên quan đến các thành viên của “Thế hệ vàng” mà truyền thông và người hâm mộ nước Anh vẫn tự hào. John Terry “cướp” vợ bạn và có lời lẽ phân biệt chủng tộc với đối thủ, Gerrard say rượu đánh người, Ashley Cole ngoại tình và trở thành một trong những cầu thủ bị ghét nhất thế giới., Rio Ferdinand bị treo giò 8 tháng vì trốn thử doping…

Roy Hodgson và các học trò đã thực tế hơn nhiều so với trước đây.

Từ năm 2006 tới nay, cứ mỗi lần chuẩn bị cho giải đấu lớn như World Cup hay Euro, người ta lại bắt đầu phát đi phát lại điệp khúc “cơ hội cuối cùng cho thế hệ vàng của bóng đá Anh” và tìm ra đủ mọi lý do để đặt niềm tin vào một chức vô địch. Nhưng trên thực tế, ngay cả đến vòng bán kết Tam sư cũng chưa bao giờ lọt đến, chứ đừng nói là chung kết hay danh hiệu. Lời phát biểu của Lampard 4 năm về trước có thể được sao chép lại toàn bộ ngay bây giờ mà vẫn giữ nguyên giá trị.

Giờ đây người Anh dường như đã thực tế hơn trước, nhất là sau khi chứng kiến những bước tiến vượt bậc mà Tây Ban Nha hay Đức đã làm được trong vài năm qua. Đội tuyển của Hodgson đang phải rất chật vật ở vòng loại World Cup 2014 trước những đối thủ vốn bị đánh giá yếu hơn như Ukraine hay Ba Lan. Cứ cho là họ sẽ có mặt ở Brazil mùa hè tới, thì đây cũng là cơ hội để quên đi những cái “danh hão” như “Thế hệ vàng” để tập trung cho thế hệ tương lai như Barkley hay Townsend.

Trung Đức | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục