Nguyên tắc xếp hạng của FIFA: Không đá cũng nhẩy vọt

22:24 Thứ tư 15/02/2012

Trong BXH của FIFA ở thời điểm cuối năm 2011, ĐT Việt Nam nhảy vọt 35 bậc, lên thứ 99 thế giới. Hiện thời, dù Việt Nam đã tụt 1 bậc, xuống hạng 100 (theo BXH công bố ngày 18/1), nhưng vẫn có thứ hạng cao nhất ở Đông Nam Á.

Vấn đề đặt ra, FIFA xếp hạng các ĐTQG theo những nguyên tắc nào, và vì sao ĐT Việt Nam lại có thứ hạng cao như thế? BXH của FIFA có ý nghĩa trong vòng 4 năm. Nói cách khác, phải hiểu vị trí thứ 100 hiện nay là kết quả của các trận đấu quốc tế trong vòng 4 năm liên tiếp (trên toàn thế giới, chứ không chỉ là các trận đấu của ĐTVN) tính đến thời điểm FIFA công bố BXH.

Mỗi trận đấu quốc tế được quy ra thành điểm (thắng 3 điểm; hòa 1 điểm; thua 0 điểm; thắng sau loạt sút penalty 2 điểm; thua sau loạt sút penalty 1 điểm). Điểm số sau đó được nhân hệ số theo tính chất của trận đấu (giao hữu và các trận đấu cấp khu vực hệ số 1; vòng loại giải vô địch châu lục hoặc World Cup hệ số 2,5; VCK giải vô địch châu lục hoặc Confederations Cup hệ số 3; VCK World Cup hệ số 4).

Kết quả lại được nhân hệ số lần nữa, theo sức mạnh của đối thủ. Công thức tính hệ số này là lấy 200 trừ đi vị trí của đối thủ, rồi chia cho 100. Ví dụ, gặp một đội đang đứng thứ 5 trong BXH thì trận đấu của bạn có hệ số là 195/100 hay 1,95. Gặp đội đang đứng thứ 180 trên thế giới thì trận đấu của bạn chỉ có hệ số là 20/100 hay 0,20. Các đội đứng dưới vị trí thứ 200 đều được tính là hạng 200 trong công thức này. Gặp các đội như thế, trận đấu của bạn đương nhiên có hệ số bằng 0.

ĐT Việt Nam nhảy hơn 30 bậc trên BXH của FIFA dù không thi đấu trong tháng 12

Kết quả cuối cùng được đưa vào bảng điểm của từng đội. Đội nào có tổng điểm trong vòng 4 năm cao nhất thì đứng ở vị trí cao nhất. FIFA đã nhiều lần thay đổi nguyên tắc xếp hạng, và đây là BXH của FIFA có vẻ hợp lý nhất từ trước đến nay. Điều đáng lưu ý, mặc kệ các loại hệ số, ĐTQG sẽ không có điểm nào nếu thua (0 điểm thì nhân thế nào cũng vẫn bằng 0). Gặp các đội đứng thứ 200 trở xuống (như Đông Timor, Brunei, San Marino…), cũng không có điểm dù thắng hay hòa.

Với cách tính đơn giản trên, ai cũng dễ dàng tính ra điểm số cho ĐTQG trong một khoảng thời gian nhất định. Vấn đề là ở chỗ, điểm số của một đội lại không quyết định vị trí của đội ấy trong BXH. Còn phải xem điểm số của các đội khác như thế nào. Đây chính là chỗ để lý giải vì sao ĐT Việt Nam không hề thi đấu suốt 2 tháng qua, nhưng vị trí thì lại tăng vọt so với thời điểm tháng 11/2011.

Điểm số tích lũy của ĐTVN trong 2 tháng qua là 0 điểm. Điểm số bị trừ trong 2 tháng cuối năm 2007 cũng là 0, vì ĐTVN không thi đấu trong khoảng thời gian ấy. Điểm số của các ĐTQG khác trong 2 tháng qua thì không giảm đi (vì cách xếp hạng của FIFA không có điểm âm). Như vậy, nguyên nhân khiến vị trí của Việt Nam tăng vọt trong bảng xếp hạng của FIFA 2 tháng gần đây là vì rất nhiều ĐT khác trên thế giới đã tích lũy được nhiều điểm trong 2 tháng cuối năm 2007. Do bảng xếp hạng FIFA có giá trị trong 4 năm gần đây nhất, nên điểm số tích lũy hồi cuối năm 2007 (trước 18/1/2008) của các ĐTQG đứng ngay bên ngoài “Top 100” bị gạt ra khỏi hệ thống xếp hạng, và Việt Nam lập tức vươn lên hơn 30 bậc!

Trong tháng 11/2007, ĐT Macedonia thắng Andorra 3-0 và thắng Croatia 2-0. ĐT Sudan thắng Tunisia 4-2 và thắng Libya 1-0. ĐT New Zealand thắng Vanuatu 2-1 và 4-1, thắng Fiji 2-0… Đấy đều là các ĐT xếp trên ĐTVN trước ngày 18/1/2012 . Bây giờ, họ đều đã xếp dưới ĐTVN trong BXH vào tháng 1/2012, do các kết quả có lợi nêu trên (trước 18/1/2008) đều không còn giá trị tính điểm.

Phương Quyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục