Bóng đá nghĩa vụ?

09:12 Thứ ba 11/03/2014

Câu chuyện về đội Sanna Khánh Hòa lấy sân Phan Rang làm sân nhà vừa hài hước mà vừa đau lòng. Hài ở chỗ trong khi Than Quảng Ninh tìm đủ mọi cách, kể cả năn nỉ, để được chơi tại sân Cẩm Phả thì một đội bóng của một doanh nghiệp hàng đầu Khánh Hòa lại không chọn sân 19-8 ở Nha Trang để được đá trước khán giả của mình. Còn đau lòng ở chỗ: rốt cục thì Sanna Khánh Hòa thành lập đội bóng để làm gì?

Lý do để Sanna Khánh Hòa chọn sân Phan Rang có thể là bước đầu tiên để đội bóng này sắp đến trở thành… Sanna Ninh Thuận. Hiện tại, doanh nghiệp đang sở hữu đội bóng này đầu tư rất mạnh tại khu vực lân cận thành phố Phan Rang - Ninh Thuận nên khả năng họ “chuyển hộ khẩu” đội bóng về Phan Rang là chuyện dễ xảy ra dù đây là công ty đầu ngành của tỉnh Khánh Hòa. “Ăn cây nào, rào cây đó” cũng là chuyện dễ hiểu.

Hơn nữa, dù mang tên của Khánh Hòa nhưng như đã biết, địa phương này còn không muốn giữ đội đá V-League là Khatoco Khánh Hòa thì có lẽ cũng chẳng thiết tha gì trong việc ủng hộ Sanna Khánh Hòa phát triển. Ngược lại, kể từ sau thành công của giải U21 năm 2012, Ninh Thuận cho thấy họ cũng muốn làm bóng đá và sân Phan Rang sau đợt sửa chữa lớn đó cũng đang chẳng biết làm gì. “Đất lành, chim đậu” cũng là lẽ tự nhiên.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại: mang tên chỗ này mà đi đá chỗ khác thì đúng là chỉ có bóng đá Việt Nam mới xảy ra trường hợp này. Nó khiến người Khánh Hòa tức giận trong khi người Ninh Thuận chắc cũng chẳng lấy làm tự hào với kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” kiểu thế này. Nó phản ảnh bản chất của bóng đá Việt là sự lỏng lẻo về luật lệ lẫn nền tảng.

Trường hợp này chẳng khác gì chuyện sang tên, đổi chủ trước đây dù đang được thể hiện bằng hình thức “đúng luật”. Tất nhiên, quyền quyết định vẫn thuộc về đội bóng. Thế mới đặt câu hỏi: Sanna Khánh Hòa phát triển đội bóng để làm gì?

Người hâm mộ bóng đá Ninh Thuận sắp tới sẽ đón đội bóng láng giềng Khánh Hòa về thi đấu giải hạng Nhất với danh nghĩa sân nhà. Ảnh: Hoàng Hùng

Sau khi tài trợ cho bóng chuyền, cầu lông, Công ty Yến sào Khánh Hòa (Sannest) “lấn sân” sang bóng đá, bắt đầu từ bãi biển rồi futsal và bây giờ là đội hạng Nhất. Họ cũng có các tuyến trẻ thi đấu giải quốc gia với các thương hiệu khác nhau (Sanna, Sanestech…). Như vậy, họ cũng đã thấy cái lợi của việc làm bóng đá nên mới quyết định “lún” sâu vào.

Vấn đề ở chỗ, họ chỉ thấy cái lợi trong việc quảng bá thương hiệu chứ chưa chắc họ đã thích làm bóng đá. Câu chuyện về chọn sân Phan Rang phần nào thể hiện tư duy đó của lãnh đạo doanh nghiệp này. Với họ, có lẽ chỉ cần cái tên Sanna Khánh Hòa được người ta biết đến thông qua các giải đấu chứ không phải là đội bóng sẽ đá vì ai, vì mục tiêu nào. Và cũng vì thế, chúng ta lại phải đặt câu hỏi: Khi đã kết thúc nhiệm vụ “làm thương hiệu” của mình, đội bóng này sẽ đi về đâu?

Tất nhiên, đó là phần việc của VFF và những người quản lý bóng đá Việt. Đành rằng việc đăng ký sân thi đấu là quyền của CLB nhưng với những kinh nghiệm to lớn từ Sài Gòn Xuân Thành, cũng cần có sự cân nhắc trước khi cho phép Sanna Khánh Hòa đăng ký chứ. Đằng này, người ta cứ mặc nhiên công nhận bất chấp việc biết trước kết cục có thể xảy ra.

Thứ “bóng đá nghĩa vụ” chắc chắn không thể tồn tại lâu bền dù là nghĩa vụ với thương hiệu hay với địa phương. Bóng đá Việt Nam có quá nhiều bài học đau lòng, tại sao cứ để sự việc tiếp tục như vậy?
Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục