Bóng đá Hàn Quốc và sự ảo tưởng từ World Cup 2002

15:27 Thứ ba 26/08/2014

Giấc mơ của bóng đá nam Hàn Quốc vươn ra tầm thế giới nảy nở từ kỳ đại hội diễn ra trên sân nhà, nhưng sau 12 năm họ lại đang lâm vào khủng hoảng niềm tin.

Đội tuyển Hàn Quốc đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của người hâm mộ sau khi trở về từ Brazil mà chỉ giành được vỏn vẹn một điểm. Những tiếng la ó, chỉ trích, màn ném kẹo nhắm vào cầu thủ và ban lãnh đạo. Các cổ động viên hét lên: “Bóng đá Hàn Quốc đã chết”. HLV Hong Myong-bo bị dư luận yêu cầu từ chức.

Ban đầu, phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc KFA Huh Jung-moo phát biểu như sau: “Tôi không nghĩ việc Hong từ chức sẽ giải quyết được vấn đề cho nên chúng tôi quyết định vẫn đặt niềm tin vào ông ấy… Tôi chắc chắn Hong sẽ dẫn dắt đội tuyển tốt tại Asian Cup”.

Các CĐV Hàn Quốc theo dõi đội tuyển thi đấu World Cup 2014 tại quê nhà (Reuters)

Một tuần sau, cả HLV Hong và ông Huh đều phải khăn gói rời nhiệm sở. Chưa bao giờ cơn giận của người hâm mộ Hàn Quốc lại lên đến đỉnh điểm như thế. Vì đâu mà một nền bóng đá hàng đầu của châu Á lại lâm vào khủng hoảng như vậy?

Thực tế là từ sau thành công ở World Cup 2002, sự kỳ vọng đến mức ảo tưởng đã được người hâm mộ đặt vào đội tuyển Hàn Quốc. Một đội bóng xếp thứ 56 trên bảng xếp hạng FIFA, đến World Cup 2014 và nằm chung bảng với Bỉ, Nga và Algeria, thế nhưng người Hàn Quốc vẫn tin rằng họ sẽ vượt qua vòng bảng. Ở nhiều quốc gia khác, khi đánh giá về bảng đấu này, Hàn Quốc là đội được xem là yếu nhất. Tuy nhiên các CĐV vẫn đòi hỏi quá nhiều ở các chiến binh Taeguk, và kết quả là mọi sự kỳ vọng đó vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Hong Myong-bo được cho là đã quá ưu ái các cầu thủ có mối quan hệ gần gũi với mình. Có thể kể đến như tiền đạo Park Chu-young, người vẫn chưa đạt thể lực tốt nhất nhưng vẫn được chọn để lĩnh xướng hàng công của Hàn Quốc. Kết quả, Park không thể tung ra bất cứ cú sút nào trong suốt những phút có mặt trên sân. Một người khác là thủ môn Jung Sung-ryong cũng bị chỉ trích vì phong độ tồi.

Tuy nhiên, người hâm mộ cần nhìn nhận thực tế là Hong Myong-bo mới 45 tuổi và chỉ có kinh nghiệm dẫn dắt các đội trẻ trước đó. Cựu hậu vệ này có thể là một biểu tượng sau chiến tích năm 2002, nhưng ông còn thiếu kinh nghiệm. Có thể KFA tính đến Hong như một phương án dài hơi, nếu vậy,quyết định để HLV này ra đi chỉ sau chưa đầu một năm làm việc là rất khó hiểu.

HLV Hong Myung-bo là vật tế thần sau chiến dịch World Cup tệ hại, nhưng sẽ còn bao nhiêu vật tế thần nữa? Ảnh: EPA.

Chỉ còn sáu trận giao hữu nữa là đội tuyển Hàn Quốc sẽ bước vào Asian Cup 2015. KFA vẫn đang loay hoay đi tìm HLV mới. Người được lựa chọn phải vừa phù hợp và vừa thích ứng nhanh.

Câu hỏi muôn thuở từ sau năm 2002 vẫn là thầy nội hay thầy ngoại. Theo khảo sát của tờ Gallup, 43% người dân Hàn Quốc mong muốn một HLV nước ngoài, trong khi đó, 39% muốn một chiến lược gia trong nước tiếp nhận công việc của Hong.

Từ sau khi Guus Hiddink đưa Hàn Quốc đến bán kết World Cup 2002, KFA đã mời nhiều HLV ngoại trong đó có ba người đến từ Hà Lan để tiếp nối thành công của đội tuyển, nhưng kết quả vẫn chỉ là những nỗi thất vọng.

Hàn Quốc có khá nhiều tài năng trẻ đang thi đấu ở nước ngoài, những người được tiếp cận với bóng đá đỉnh cao từ khá sớm, nhưng để tìm lại vinh quang của năm 2002, chắc chắn KFA sẽ còn phải nhiều lần bổ nhiệm HLV nữa.

Năm 2011, giải đấu bóng đá hạng cao nhất của Hàn Quốc K-league vướng phải bê bối dàn xếp tỉ số. Với việc đồng tiền của giải vô địch Trung Quốc đang thu hút nhiều hơn những tài năng từ nước ngoài, K-league dần mất đi ngôi vị độc tôn ở sân chơi Asian Champions League.

Tiền đạo Son Heung-min (trái) là một trong số nhiều ngôi sao mà người hâm mộ Hàn Quốc có thể trông cậy. Ảnh: AP.

Mới đây, cựu tuyển thủ Cha Du-ri lên tiếng kêu gọi người hâm mộ dành sự quan tâm và ủng hộ các giải đấu trong nước, góp phần tìm ra những tài năng mới để thi thố ở sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, đa phần người hâm mộ dần chạy theo các giải vô địch châu Âu và K-league so về độ hấp dẫn, không thể đánh bại được những giải đấu đó.

Thành công từ năm 2002 vẫn để lại cho Hàn Quốc những di sản mà từ đó KFA có thể hồi sinh nền bóng đá này. Đó là cơ sở vật chất để lại từ lần đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đó là uy tín trong khu vực khi Hàn Quốc vẫn được xếp hạt giống số một tại vòng loại World Cup 2018 bất chấp kết quả nghèo nàn mới đây.

Điều quan trọng là KFA có thể học hỏi được gì sau thất bại và cách họ tận dụng những ưu thế có sẵn. Nếu nỗ lực cải cách của KFA thất bại, sự chỉ trích từ dư luận tiếp diễn, K-league vẫn tiếp tục yếu kém và những di sản của vinh quang từ năm 2002 chắc chắn sẽ phai nhạt dần.
Di Khánh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục